Di tích lịch sử Chiến thắng Dương Đá Bầu, xã Tam Lộc.

Thứ hai - 31/07/2023 21:26
Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Dương Đá Bầu tọa lạc ngay trên đỉnh núi Dương Đá Bầu thuộc địa phận xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam gần 15 cây số về phía Đông Bắc.

Sau Xuân Mậu Thân 1968, để đẩy nhanh sự sụp đổ về ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, Bộ chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng ta quyết định mở đợt hai Tổng tấn công và nổi dậy với phương hướng và nỗ lực mới "Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy khí thế chiến thắng, tiếp tục phát triển tiến công toàn diện, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa..., đẩy địch vào thế thất bại liên tiếp, ngày càng suy yếu và tan rã, không gượng dậy được". Thời gian hành động thống nhất toàn miền Nam từ ngày 4 tháng 5 đến hết tháng 6 năm 1968.

Theo chỉ đạo của trên, trong chiến dịch Hè 1968, các đơn vị tiếp tục đánh vào thành phố, thị xã, siết chặt vòng vây, tiến công toàn diện địch,phát động quần chúng giành chính quyền làm chủ đại bộ phận nông thôn đồng bằng. Phản ứng trước các hoạt động của ta, quân Mỹ - ngụy dựa vào sức mạnh của không quân, pháo binh, xe tăng liên tục càn quét, đánh phá lên các khu vực bàn đạp phái trước của huyện Bắc Tam Kỳ. Những nơi bộ binh, xe tăng không đến được, địch sử dụng pháo bầy, pháo hạm bắn phá suốt ngày đêm. Để hạn chế tổn thất do mìn của ta cài đặt, quân Mỹ thiết lập hành lang càn quét bằng xe tăng lên vùng giáp ranh giải phóng của huyện. Trong vùng chúng kiểm soát, các đoàn bình định xây dựng nông thôn, dựa vào các đơn vị Bảo an, Nghĩa quân đánh phá khốc liệt; bắt bớ, tra tấn, khủng bố hòng tiêu diệt cơ sở cách mạng trong nhân dân. Cùng với đánh phá bằng quân sự, địch còn sử dụng các thủ đoạn kinh tế, chính trị để dụ dỗ, mua chuộc phân hóa nội bộ hàng ngũ cách mạng, hàng triệu lá truyền đơn được máy bay rải khắp nơi nhằm làm giảm sút ý chí chiến đấu của quân và dân ta.

Trước tình hình đó, vào tháng 6 năm 1968, huyện thành lập đơn vị đặc công, mang mật danh Đội I gồm 20 cán bộ chiến sĩ, do đồng chí Kiền làm đội trưởng. Đơn vị huấn luyện chiến kỹ thuật đặc công, thực hành đánh các đồn bót có công sự vững chắc của địch. Cũng trong thời gian này, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Huyện đội huy động lực lượng làm công tác chuẩn bị xây dựng trận địa chốt tại Dương Đá Bầu xã Kỳ Phước (nay là xã Tam Lộc) để chiến đấu với quân Mỹ càn quét lên địa bàn. Thời gian này, ông Lương Văn Hận, nguyên Huyện đội trưởng Bắc Tam Kỳ đề xuất một kế hoạch đánh địch rất bất ngờ, táo bạo. Ông triệu tập Ban chỉ huy đại đội V12 giao nhiệm vụ chuẩn bị đánh phủ đầu quân Mỹ đổ bộ vào Dương Đá Bầu. Ông xác định "Đây là trận đánh quyết tử, lấy ít địch nhiều trên cơ sở chuẩn bị trận địa và hỏa lực đầy đủ, kỹ càng.Một là cách đánh quân đổ bộ từ máy bày trực thăng, hai là đánh quân từ dưới chân núi kéo bộ lên chiếm đỉnh cao. Quân chủ lực thì dùng lực lượng đông đánh cường tập hoặc tập kích vào các căn cứ Mỹ còn quân địa phương của huyện chỉ có thể đánh theo kiểu này mới phát huy được hiệu quả". Đây là trận đánh thí điểm, cần chọn những đồng chí có kinh nghiệm, dũng cảm từng tham gia một số trận đánh. Tất cả đều hoàn toàn tự nguyện, kỷ luật cao, giữ gìn bí mật triệt để.

Lúc bấy giờ công binh cải tiến 07 quả bom 250 kg, 55 đầu đạn pháo 155mm thành mìn, bố trí thành một bãi liên hoàn chung quanh chốt. Trên chốt có công sự trận địa kiên cố do 07 cán bộ, chiến sĩ chốt giữ. Huyện trang bị cho mỗi đồng chí từ hai đến ba loại vũ khí bộ binh, 50 quả lựu đạn, thủ pháo.Dưới chân Dương Đá Bầu, Đại đội V12 bố trí một tiểu đội cơ động đánh địch vòng ngoài.

Sau khi bàn bạc kỹ để chọn người đi làm nhiệm vụ, Huyện đội đã nhận được từ V12 danh sách gồm có 9 đồng chí. Gồm có đồng chí Trần Nghiêu Chuẩn – Đại đội phó, Nguyễn Lương Truyền – Trung đội trưởng trung đội 3, Phạm Viết Vọng - Trung đội phó Trung đội 3 và 06 chiến sĩ xung phong cảm tử. Tiểu đội được thành lập được gọi là Tiểu đội đặc biệt, là một đội quân cảm tử. Gọi là tiểu đội cảm tử vì họ phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề, mọi người đều xác định tử vì Tổ quốc. Họ được trang bị 21 khẩu súng, đủ loại cối 60, B40, B41, Trung liên, AK,M79, AT (phóng lựu), Garâng và một ống nhòm có nhiệm vụ bảo vệ Dương Đá Bầu.

Tiểu đội gồm có 9 người, bao gồm đồng chí Trần Nghiêu Chuẩn, Nguyễn Lương Truyền, Phạm Viết Vọng, Tạ Quang Liên, Trịnh Thông, Phan Ngọc Nhiếp, Nguyễn Hoàng, Huỳnh Bàn và Trần Duy Tung. Tiểu đội được chia thành 3 tổ:

Tổ 1: Do đồng chí Trần Duy Tung người Ngọc Mỹ, Kỳ Anh làm tổ trưởng, cùng với anh Phan Ngọc Nhiếp, người Trung Thanh, Kỳ Phú chốt giữ đầu cầu Tây Bắc với vũ khí trang bị cho mỗi người gồm môt AK, một Garâng, môt M79.

Tổ 2: Gồm 3 người: Nguyễn Lương Truyền, người thôn Thượng Thanh; Trịnh Thông, người thôn Trung Thanh và Tạ Quang Liên, người thôn Hạ Thanh. Trong đó Truyền là chỉ huy cao nhất trận địa. Về vũ khí, đây là vị trí chính diện nên được trang bị mạnh nhất, gồm có một B40, một cối 60 ly, một trung liên và mỗi người một khẩu AK.

Tổ 3: Án ngữ đầu cầu Đông Nam. Đây cũng là vị trí tiền tiêu chặn địch từ sườn Đông Nam nên được trang bị mạnh hơn phía Tây Bắc với 2B40, hai M79, 01 AT và hai AK do Huỳnh Bàn, người Mỹ Cang, Kỳ Anh và Nguyễn Hoàng, người Kỳ Phước phụ trách.

Ông Trần Duy Tung – nhân chứng tham gia trực tiếp

trận đánh tại Dương Đá Bầu

Như vậy, có 7 người trực tiếp tham gia trận đánh, anh Chuẩn người Kỳ Phú và anh Vọng người Kỳ Quế là quân dự bị, nếu trong phân đội có người nào ốm đau thì các anh sẽ thế chỗ. Mỗi tổ chiến đấu được trang bị nhiều loại đạn, lựu đạn, thủ pháo dự trữ tại công sự đủ để chiến đấu vài ngày trời. Đội quân cảm tử này còn có cô Trần Thị Hoa, sinh năm 1950, quê Tam Thanh theo làm nhiệm vụ nuôi quân. Lễ Xuất quân, tuyên thệ dưới cờ được tổ chức vào lúc 8 giờ tối ngày 9 tháng 5 năm 1968, tại Dốc Chùa, Kỳ Phước. Trong buổi tuyên thệ trận đánh, chỉ 9 người tham gia. Liền sau đó, những đồng chí được phân công lặng lẽ tiến về Dương Đá Bầu.

Tiểu đội cảm từ lúc này được bố trí đóng quân tại nhà ông Khải, thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh. Nhà ông Khải nằm riêng lẻ, ở sát chân rừng, cách chân Dương Đá Bầu một đồng ruộng 300m về phía Đông Nam. Tại đây, tiểu đội được chuẩn bị khá tốt về hậu cần, dự trữ lương khô đủ để cố thủ trong nhiều ngày. Công tác chuẩn bị khá bí mật với khẩu hiệu thực hiện "3 không". Đó là không gửi thư về nhà, không được để dân biết và không đến thăm đồng chí đơn vị cũ. Đều đặn hằng ngày, lúc 4 giờ 20 phút sáng, tiểu đội lên đồi, 20 giờ đêm mới về địa điểm tập kết để nghỉ ngơi. Mỗi ngày, có 2 đồng chí ở lại cơ sở dưỡng sức. Trong vòng 1 tuần, mọi công việc sắp đặt xong, đây được xác định là một trận đánh ác liệt, phải đương đầu với những hy sinh.

Theo kế hoạchcó ba tổ chiến đấu, mỗi tổ cách nhau 20m. Các công sự được thiết kế theo hướng chặn địch tràn lên đỉnh đồi từ phía đông. Theo phương án tác chiến lúc này đào một giao thông hào xuyên suốt từ tổ chiến đấu số 1 đến số 3. Tại mỗi tổ có thêm 2 hầm, một chứa vũ khí, lương thực và một chứa nước uống. Để thiết kế hầm chứa nước, các anh đã dùng ni lông đi mưa lót vào bội tre, khoét cái hầm có hình thù như chiếc bội, đặt bội xuống thì thành đất ôm khít, bội dựa chắc vào thành đất để vô hiệu hóa sức nặng của nước, nên bội không bị vỡ. Tất cả đều được ngụy trang cẩn thận, dẫu máy bay cứ dò thám, tàu rọ rà soát đỉnh đồi cũng không thể phát hiện được. Khi các điều kiện đã chuẩn bị xong, ta thay phiên nhau trực để mai phục chờ địch.Qua hơn nửa tháng trời thì lính Mỹ bắt đầu tiến lên Dương Đá Bầu.

Ngày 8 tháng 6 năm 1968, quân Mỹ đã chiếm Dương U Bò, Dương Ba Đầu, thuộc huyện Tiên Phước, cách Dương Đá Bầu chừng 3 km. Khi bộ đội chủ lực Quân khu 5 dứt chiến ở khu vực Núi Ngang và hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Khâm Đức (Phước Sơn), một tiểu đoàn Mỹ từ xã Phước Sơn (Tiên Phước) theo đường Eo Gió rút về hậu cứ. Đến Kỳ Quý, chúng cho quân lên chiến Dương Đá Bầu và một số dãy đồi chung quanh.

Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1968, một tiểu đoàn Mỹ đến đầu xã Kỳ Quý, cuối xã Kỳ Phước chúng chia thành 2 cánh tiến xuống các làng phía Tây Bắc Dương Đá Bầu, đi băng qua chân núi Dương Đá Bầu, quân ta phát hiện nhưng khôngđánh nhằm giữ bí mật. Khi địch đến đầu làng Vĩnh Quý, xã Kỳ Quý (nay là xã Tam Vinh) gặp đồng chí Phạm Viết Vọng mới đi cảnh giới về đang tắm giặt tại giếng nhà ông Khải, không ngờ địch kéo đến, phát hiện, bắn xối xả, đồng chí Vọng hy sinh. Đồng chí Trần Nghêu Chuẩn và đồng chí Trần Thị Hoa chạy vào rừng. Đồng chí Trần Nghêu Chuẩn và Phạm Viết Vọng là 02 đồng chí trong đội cảm tử ngày hôm đó được phân công ở nhà dưỡng sức. Cơ sở kịp thời xóa dấu vết nên địch không phát hiện gì thêm.

Sau đó, địch quay ngược đội hình, nhằm Dương Đá Bầu thẳng tiến. Một cánh quân thọc hậu của địch phía Tây Nam, một cánh quân Đông Bắc, một cánh ở Tây Bắc tiến lên Dương Đá Bầu, liên tục mở các đợt tấn công, đạn bắn như mưa nhằm chiến đóng vị trí Dương Đá Bầu. Chúng bị quân ta đánh trả quyết liệt bằng tất cả các loại vũ khí. Từ ban trưa đến gần 9h đêm, 6 chiến sĩ của ta gồm các đồng chí Truyền, Liên, Thông, Nhiếp, Hoàng, Bàn, Tung chia thành 3 tổ chiến đấu, mỗi tổ phụ trách một hướng: Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam. Các đồng chí đã tả xung hữu đột bẻ gãy mọi đợt tiến công của địch với số lượng đông gấp bội. Với lối đánh gần, khi bộ binh Mỹ còn cách công sự của ta khoảng 5 m, 6 cán bộ, chiến sĩ đại đội V12 mới đồng loại nổ súng, nhiều tên gục ngã ngay trước công sự. Chúng phản ứng quyết liệt, dùng máy bay, pháo binh các loại bắn phá, nhiều lần xua quân lên chiếm chốt. Khi chúng lọt vào trận địa mìn, ta mới đồng loạt điểm hỏa, hàng chục tiếng nổ dữ dội trùm lên đội hình quân Mỹ. Trận đấu ác liệt diễn ra giữa 7 chiến sĩ của ta và hàng trăm tên địch, kéo dài từ 11 giờ 35 phút đến 20 giờ đêm 11-6-1968 mới kết thúc, với nhiều đợt tiến công lớn do địch liên tiếp mở. Kết quả ta lập nên chiến công xuất sắc, ta chỉ có 7 chiến sĩ V12, hy sinh 2 người trong khi đó địch hàng trăm tên, hy sinh 75 người. Đến 20 giờ 30 phút, địch mới tạm rút ra xa để củng cố lực lượng.

Sau trận đánh, về phía ta có hai đồng chí tên là Nguyễn Lương Truyền và Tạ Quang Liên đã hy sinh. Đồng chí Trần Duy Tung bị thương nặng do mảnh bom của địch găm vào sọ não, ngất lịm tại hầm công sự do chính tay anh đào, đồng đội nghĩ rằng anh đã chết nên chôn vội anh ngay tại đỉnh Dương Đá Bầu lúc 9h đêm, trong khi quân Mỹ còn phục kích gần trận địa. 12h đêm, sau khi tỉnh lại, đồng chí Tung đã cố gắng về lại, tìm đồng đội và điều trị vết thương. 7 cán bộ chiến sĩ trong tiểu đội cảm tử đều được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Hai đồng chí Nguyễn Lương Truyền, Tạ Quang Liên được khen tặng huân chương chiến công hạng 3, riêng đồng chí Nguyễn Lương Truyền đến năm 2010 được truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Chiến thắng Dương Đá Bầu đã góp phần củng cố niềm tin vững chắc, khẳng định khả năng đánh thắng Mỹ của lực lượng vũ trang địa phương, phát động phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Bắc Tam Kỳ, cùng với nhân dân trong tỉnh nổi dậy, từng bước đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại những tháng năm đánh Mỹ đã qua, ngẫm suy về trận đánh Dương Đá Bầu ác liệt cách đây đã 54 năm, có thể thấy trận đánh Dương Đá Bầu là một trong những trận đánh điểm hình về tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản. Đây là trận đánh thành công không những cách đánh, về sử dụng lực lượng, bố trí binh hỏa lực mà còn nói lên tư duy sáng tạo, sự dũng cảm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện chiến trường ác liệt.Với những ý nghĩa lịch sử đó,ngày 4/12/2019, di tích Địa điểm Chiến thắng Dương Đá Bầu đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3928/QĐ-UBND. Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên đối với quân và dân Quảng Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới hiện nay./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây